Soạn bài giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt – Ngữ văn 12 tập 1 sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi ở cuối bài tập cũng như hướng dẫn các bạn đưa ra lời giải trong Sách bởi tính chuẩn xác cao. Để hiểu thêm định nghĩa cũng như Trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt chúng ta cùng đi vào bài viết tìm hiểu về nội dung này nhé.
Sự trong sáng của Tiếng Việt
Trong sáng thuộc về bản chất của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Sự trong sáng của Tiếng Việt biểu hiện qua những mặt cơ bản sau:
1. Nói hoặc viết đúng chuẩn mực, đúng quy tắc của tiếng Việt
– Tiếng Việt có hệ thống những chuẩn mực và quy tắc chung làm cơ sở cho giao tiếp (nói và viết) về phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, cấu tạo lời nói, bài viết; có khả năng diễn đạt đầy đủ, tinh tế đời sống tư tưởng, tình cảm phong phú, đẹp đẽ của dân tộc ta…
– Tiếng Việt có hệ thống quy tắc chuẩn mực nhưng không phủ nhận (loại trừ) những trường hợp sáng tạo, linh hoạt khi biết dựa vào những chuẩn mực quy tắc.
Ví dụ: Ban ngày cũng như ban đêm, khi tiếng ếch nhái kêu là lúc thấy inh ỏi khó chịu
Câu này sai ngữ pháp, không hề có cụm C-V mà chỉ có bổ ngữ chỉ thời gian và chỉ nguyên nhân
2. Không cho phép lai tạp một cách tùy tiện những yếu tố của những ngôn ngữ khác
Để cho tiếng Việt trong sáng, giàu có và phát triển một mặt cần tiếp thu những tinh hoa trong các ngôn ngữ khác, đồng thời tránh lạm dụng, pha tạp khi không cần thiết.
Ví dụ: Cô ca sĩ này có nhiều fan hâm mộ quá!
Fan có nghĩa là người hâm mộ, cách sử dụng từ fan trong câu nói này dẫn đến việc thừa nghĩa trong câu, là lạm dụng tiếng nước ngoài không cần thiết.
3. Sự trong sáng của tiếng Việt biểu hiện ở tính văn hóa, lịch sự của lời nói
– Nói năng lịch sự có văn hoá chính là biểu hiện sự trong sáng của tiếng Việt.
– Ngược lại, nói năng thô tục, mất lịch sự, thiếu văn hoá sẽ làm mất đi vẻ đẹp của sự trong sáng của tiếng Việt
– Khi giao tiếp giữa người này với người kia, cần thể hiện thái độ tôn trọng đối phương qua cách xưng hô và lời nói của mình. Mỗi một mối quan hệ có cách xưng hô khác nhau sao cho vẫn xác định được vai vế rõ ràng và vẫn thấy được sự tôn trọng, lịch sự dành cho nhau
Ví dụ: khi nói chuyện với người lớn thì nên lễ phép, thưa gửi đàng hoàng.
Xem thêm :
Trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, mỗi người khi nói hoặc viết cần thực hiện được những yêu cầu sau:
- Có ý thức tôn trọng và tình cảm yêu quý tiếng Việt. Mỗi người cần thấy rằng:”Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm nó phổ biến và ngày càng rộng khắp”. (Hồ Chí Minh).
- Có thói quen cẩn trọng, cân nhắc, “lựa lời” khi sử dụng tiếng Việt để giao tiếp, sao cho lời nói thích hợp với các nhân tố giao tiếp và đạt được hiệu quả cao nhất.
- Rèn luyện năng lực nói và viết theo đúng các chuẩn mực về ngữ âm, về chữ viết, về từ ngữ, ngữ pháp và về các đặc điểm phong cách. Muốn vậy, mỗi cá nhân cần luôn trau dồi lời ăn tiếng nói của mình theo tinh thần của câu châm ngôn “học ăn, học nói, học gói, học mở” để nói đúng, viết đúng và nói hay, viết hay, đạt được mức độ “lời hay, ý đẹp” và có tính lịch sự, văn hóa.
- Cần tránh những câu nói thô tục, kệch cỡm, tránh những yếu tố pha tạp, lai căng, tuy rằng vẫn cần tiếp nhận những từ ngữ hoặc cách diễn đạt có giá trị tích cực của ngôn ngữ khác.
Tìm hiểu thêm
Câu 1. Đoạn văn sau của Chế Lan Viên đã bị lược bỏ các dấu câu. Hãy đặt các dấu câu cần thiết vào vị trí thích hợp để đảm bảo sự trong sáng của đoạn văn.
Gợi ý:
Tôi có lấy ví dụ về một dòng sông. Dòng sông vừa trôi chảy, vừa phải tiếp nhận dọc đường đi của mình những dòng nước khác. Dòng ngôn ngữ cũng vậy, một mặt nó phải giữ bản sắc cố hữu của dân tộc nhưng nó không được phép gạt bỏ, từ chối những gì mà thời đại đem lại.
Câu 2. Phân tích tính chuẩn xác trong việc sử dụng từ ngữ của Hoài Thanh và Nguyễn Du khi chỉ ra nét tiêu biểu về diện mạo/tính cách các nhân vật trong truyện Kiều.
– Kim Trọng:
Từ ngữ miêu tả: rất mực chung tình
Đặc điểm nhân vật: Chung tình với Thúy Kiều (Đau đớn khi biết Kiều bán mình chuộc cha, Tuy kết duyên cùng Thúy Vân nhưng vẫn nhớ đến Kiều…)
– Thúy Vân
Từ ngữ miêu tả: cô em gái ngoan
Đặc điểm nhân vật: hiền lành, ngoan ngoãn (chấp nhận thay chị trả mối duyên với Kim Trọng)
– Hoạn Thư:
Từ ngữ miêu tả: biết điều mà cay nghiệt
Đặc điểm nhân vật: độc ác, cay nghiệt (đánh ghen và trừng phạt Thúy Kiều, biện giải thông minh trong cuộc báo ân báo oán)
– Thúc Sinh:
Từ ngữ miêu tả: sợ vợ
Đặc điểm nhân vật: khi thấy Thúy Kiều bị hành hạ nhưng chỉ biết đứng nhìn.
– Từ Hải:
Từ ngữ miêu tả: chợt hiện ra, chợt biến đi như một vì sao lạ.
Đặc điểm nhân vật: thời gian xuất hiện ngắn ngủi, giúp Kiều báo ân báo oán.
– Tú Bà
Từ ngữ miêu tả: Màu da “nhờn nhợt”
Đặc điểm nhân vật: Cho thấy thể xác nhơ nhớp do sống lâu bằng nghề bán phấn buôn hương.
– Mã Giám Sinh
Từ ngữ miêu tả: Bộ mặt “mày râu nhẵn nhụi”
Đặc điểm nhân vật: Cho thấy bộ dạng của kẻ lừa đảo
– Sở Khanh
Từ ngữ miêu tả: “chải chuốt”, “dịu dàng”
Đặc điểm nhân vật: Cho thấy hình thức trau chuốt, giả tạo để lừa gạt các cô gái.
– Bạc Bà, Bạc Hạnh
Từ ngữ miêu tả: cái miệng thề “xoen xoét”
Đặc điểm nhân vật: Cho thấy đó là kẻ chuyên dối trá, lọc lừa.