Bát cú là danh từ chỉ về các luật thơ trong văn học truyền thống. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nghĩa của từ bát cú trong văn học việt nam, Hi vọng qua bài viết này các em có thể phân biệt cũng như xác định được bài thơ thuộc thể loại văn học nào. Mời các bạn cùng tìm hiểu.
Định nghĩa về bát cú
Bát cú là danh từ xác định thể thơ, các bài thơ bao gồm tám câu (theo luật thơ Đường), mỗi câu thường có bảy hoặc năm chữ (âm tiết).
Ý Nghĩa thơ bát cú
Thể chính quy của thơ luật Đường. Khuôn khổ một bài thơ có tám câu, mỗi câu bảy chữ hoặc năm chữ, thường là bảy chữ, nên gọi là thất ngôn bát cú. Xưa kia, trong khoa cử, thí sinh bắt buộc phải làm một bài thơ thất ngôn bát cú, thể này được dùng rộng rãi trên thi đàn Việt Nam, có luật thơ chặt chẽ nhất trong các thể thơ. BC được quy định về cách gieo vần, đối, luật, niêm, bố cục. Vần thường sử dụng vần bằng (các tiếng có thanh ngang và thanh huyền). Thảng hoặc mới dùng vần trắc (các tiếng có thanh sắc, nặng, ngã, hỏi). Trong suốt bài thơ BC, chỉ gieo một vần ở vị trí cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8. Đối thì vừa đối thanh (bằng đối với trắc và ngược lại) vừa đối ý; trừ hai câu đầu và hai câu cuối, các câu ở giữa thì câu 4 đối với câu 3, câu 6 đối với câu 5.
Luật thì theo cách đối đúng vị trí của các tiếng trong bài thơ; căn cứ vào tiếng thứ hai của câu đầu nếu tiếng ấy thanh bằng thì bài thơ thuộc luật bằng, nếu là trắc thì bài thơ thuộc luật trắc; trong từng câu, các tiếng thứ hai, thứ tư, thứ sáu phải luân phiên đối nhau theo kiểu bằng – trắc – bằng hoặc trắc – bằng – trắc, vv.
Xem thêm : Luật thơ
Nếu không theo đúng luật ấy thì bài thơ bị thất luật. Niêm (nghĩa đen là dính) là sự nối nhau về âm luật giữa hai câu thơ đứng liền nhau, chữ thứ hai ở hai câu này phải cùng là vần bằng hay vần trắc, các câu niêm với nhau là: câu 1 với câu 8, câu 2 với câu 3, câu 4 với câu 5, câu 6 với câu 7. Nếu không đúng với luật này thì bài thơ bị thất niêm. Về bố cục, một bài BC gồm 4 phần cắt theo hàng dọc là: đề, thực, luận, kết.
Mỗi phần gồm hai câu có nhiệm vụ riêng trong bài. Về thơ thất ngôn bát cú, các nhà thơ lại sáng tạo ra một số thể đặc biệt: thể song điệp, mỗi câu có hai từ trùng điệp; thể triệt hạ hay tiệt hạ, các câu đều bỏ lửng, cả ý lẫn lời; thể vĩ tam thanh, ba âm cuối, mỗi câu có âm tương tự như nhau; thể thủ vĩ ngâm, câu cuối lặp lại câu đầu; thể thuận nghịch đọc hay hồi văn, đọc ngược hay đọc xuôi đều có nghĩa; thể liên hoàn, bài thơ có nhiều khổ mà câu cuối khổ trên lại được lấy làm câu đầu khổ dưới; thể yết hậu, các câu trên đều đủ chữ, câu cuối chỉ có một chữ.
Một số bài thơ bát cú
1. Qua đèo ngang (Bà Huyện Thanh Quan)
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
2. Thương vợ (Trần Tế Xương)
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:
Có chồng hờ hững cũng như không!
3. Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến)
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ;
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
Xem thêm : Những bài thơ của tác giả tố hữu
4. Thu điếu (Nguyễn Khuyến)
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
5. Cảm xuân (Tản Đà)
Pháo đốt vui xuân rộn phố phường
Xuân về riêng cảm khách văn chương
Hồng phơi loá mắt chùm hoa giấy
Trắng nhuộm phơ đầu mái tóc sương
Cành liễu đông tây cơn gió thổi
Con tằm sống thác sợi tơ vương
Xuân này biết có hơn xuân trước
Hay nữa xuân tàn hạ lại sang?