Các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu. Nguyễn Đình chiểu là một nhà thơ, nhà văn hóa cận đại của Việt Nam. Sự nghiệp thơ văn của ông đóng góp to lớn cho nền văn học trung đại Việt Nam ở giai đoạn cuối thế XIX nói riêng, nền văn học nói chung. Qua các tác phẩm thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu có thể thấy dưới ngòi bút tài ba của ông, các nhân vật từ chính đến phụ, phản diện hay chính diện đều được ông khắc họa một cách tinh tế, mang những màu sắc rất riêng biệt và đa dạng. Dưới đây chúng tôi tổng hợp một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Đình Chiểu, Mời các bạn cùng tìm hiểu.
Đôi nét về nhà văn Nguyễn Đình Chiểu
Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
Cha ông tên Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, là thư lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Gia Định.
Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định. Cuộc nổi dậy này đã khiến cha ông bỏ trốn ra Huế rồi bị cách chức. Năm 1833 cha ông trở vào Nam, đem ông ra gửi cho một người bạn ở Huế để tiếp tục việc học. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 12 đến 19 tuổi.
Xem thêm : Tác phẩm Lục Vân Tiên
Năm 1843 ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định, đúng vào năm 21 tuổi. Khi ấy, có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông.
Năm 1847 ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Nhưng chưa kịp thi thì được tin mẹ mất tại Sài Gòn (1849). Trên đường trở về chịu tang mẹ, vì thời tiết thất thường, vất vả và khóc thương nhiều nên ông bị bệnh rồi mù cả đôi mắt. Trong thời gian nghỉ lại Quảng Nam chữa bệnh, tuy bệnh không hết, nhưng ông đã được vị danh y truyền dạy nghề thuốc.
Đui mù, mất mẹ, hôn thê bội ước, cảnh nhà sa sút… ông đóng cửa chịu tang cho đến năm 1851, ông mới mở trường dạy học và làm thuốc.
Năm 1854, một người học trò tên là Lê Tăng Quýnh vì cảm phục và mến thương ông, nên đã xin gia đình gả cô em gái thứ năm của mình tên là Lê Thị Điền (1835 – 1886), người Cần Giuộc (Long An), cho thầy.
Kể từ đó, gần chục năm sau, ngoài đôi việc trên ông còn sáng tác truyện thơ Lục Vân Tiên và Dương Từ – Hà Mậu, để gửi gắm tình ý cùng hoài bão của mình.
Ngày 17 tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định. Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, được nhiều người đánh giá cao.
Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng bị chiếm đóng, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và các lực lượng kháng chiến; từ chối trước mọi cám dỗ của đối phương.
Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, nghĩa sĩ đã mất.
Ngày 3 tháng 7 năm 1888, ông mất tại Ba Tri, Bến Tre. Người ta kể lại rằng ngày đưa đi an táng, cả cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang của những người mến mộ ông.
Một số tác phẩm tiêu biểu
1.Truyện Lục Vân Tiên:
Truyện Lục Vân Tiên là tác phẩm ông viết trước khi Pháp xâm lược đát nước, nhằm tuyên truyền đạo lí:
“ Trai thì trung hiếu làm đầu,
Gái thì tiết hạnh là câu trau mình.”
Nhưng bằng một cảm hứng mãnh liệt, một năng lực sáng tạo nghệ thuật không nhỏ, qua hình thức kể chuyện bằng văn vần (truyện thơ), đã trở thành khúc ca chiến đấu và chiến thắng của chính nghĩa, của đạo lí nhân dân với nhiều hình tượng nghệ thuật đẹp trong văn chương. Tác phẩm Lục Vân Tiên là bản án kết tội những kẻ bất nhân phi nghĩa: Gia đình Võ Công lật lọng tàn bạo với chàng rể tương lai họ Lục đáng thương; viên Thái sư hiểm ác, chơi trò không ăn được đạp đổ trên thân phạn phận cô gái họ Kiều; Trịnh Hâm đố kị, phản trắc, phạm tội giết người; Bùi Kiệm không nghĩa không tình muốn tranh giành người vợ tương lai của bạn.
Tác phẩm Lục Vân Tiên đã được thử thách qua thời gian. Nó có sức sống lớn trong mọi tầng lớp người Việt Nam xưa và nay, đặc biệt là người dân Nam Bộ. Tác phẩm và nhiều chi tiết, hình tượng của tác phẩm thực tế đã là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của một số loại hình nghệ thuật khác.
Xem thêm : cuộc đời của tác giả Nguyễn Đình Chiểu
2. Chạy giặc
Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ bầy chim dáo dác bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này?
Tên bài này có nơi chép là Chạy Tây.
Hiện chưa thấy tài liệu nào nói rõ thời điểm ra đời của bài thơ. Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử, cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu và nhất là nội dung tác phẩm, có người cho rằng bài thơ này đã được tác giả viết ngay sau khi thành Gia Định bị thực dân Pháp bắt đầu tấn công (ngày 17-2-1859). Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của văn học yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỉ XIX.
Bài thơ này được sử dụng trong phần đọc thêm SGK Ngữ văn 11 từ 2017.
Nguồn: Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, NXB Văn học, 1971
3. Dương Từ – Hà Mậu:
Quyển Dương Từ – Hà Mậu có lẽ được Nguyễn Đình Chiểu viết sau khi ông chạy giặc ở Gia Đinh về Cần Giuộc, vì trong Dương Từ – Hà Mậu, Nguyễn Đình Chiểu có nói đến giặc ngoại xâm, nhất là ông có viết mấy câu sau này:
Bấy lâu giặc dã chưa rồi
Những no sẽ tủ bỏ nơi dọc đường
Hay đau việc học ròng ròng
Con ngoài cung biết luống cung ngỡ ngàng.
Số phận của Dương Từ, Hà Mậu là số phận của những tác phẩm nội dung không lợi cho thực dân, cho nên suốt thời Pháp đô hộ, nó chỉ được ra mắt đồng bào bằng một số đoạn trích trong Nỗi lòng Đồ Chiểu nhưng rồi cũng bị cấm. Mãi đến năm 1964 mới được công bố đầy đủ.
4. Tìm hiểu “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là một bài văn tế do Nguyễn Đình Chiểu sáng tác để ngợi ca, thương tiếc và kính phục những nghĩa quân đã anh dũng đứng lên chống Thực dân Pháptại Cần Giuộc vào năm 1861.
Bài văn tế này bằng chữ Nôm, gồm 30 liên, tức 60 vế đối biền ngẫu, làm theo thể phú luật Đường luật, có vần, có đối. Toàn bài mang tính chất trầm hùng, bi thiết, có sức cổ vũ lớn. Cái đặc sắc, kỳ thú ở bài văn là dùng nhiều ngôn ngữ và chi tiết bình thường, quen thuộc trong đời sống hàng ngày mà dựng lên được hình ảnh rất sống của thế hệ những người chống Pháp tiêu biểu buổi ấy…
Nói cách khác, bài văn là một thành tựu xuất sắc về nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, kết hợp nhuần nhuyễn chất trữ tình và tính hiện thực. Ngôn ngữ thì bình dị, mộc mạc, giàu lời ăn tiếng nói thân thuộc của nhân dân, đặc biệt là bản sắc địa phương Nam Bộ.
Có thể nói, đây là tác phẩm xúc động nhất về người anh hùng nông dân Nam Bộ. Đó là những người quanh năm nghèo khó, chưa từng cầm vũ khí, nhưng khi quân Pháp đến thì xông lên chiến đấu quên mình, biểu thị tinh thần dũng mãnh bất khuất, tiêu biểu cho ý chí độc lập, tự do của dân tộc. Bài văn không chỉ là một thiên anh hùng ca đặc sắc, mà còn là lời bộc bạch gan ruột của những người dân không chịu làm nô lệ, thề đánh quân xâm lược đến cùng, là lời trách móc thâm trầm đối với thái độ đầu hàng… Bởi vậy, khi bài văn tế này lan truyền đến Huế, chính vua Tự Đức đã ra lệnh phổ biến trong nhiều địa phương khác.
5. Ngư tiều vấn đáp y thuật (từ sau 1874):
Ngư tiều vấn đáp y thuật là một tác phẩm ngoài nêu cao lòng yêu nước, căm thù giặc còn là một tác phẩm chuyên môn nhằm phổ biến y học, với tinh thần giúp đời cứu người. Tác phẩm là tác phẩm lớn cuối cùng của cụ. Từ Lục Vân Tiên đến Ngư tiều vấn đáp y thuật có sự phát triển khá rõ rệt về tư tưởng và nghệ thuật. Có nghệ thuật, có căng có chùng, do tình hình đất nước. Nhưng con người sống giữa đời cũng như sống trong thơ chỉ ngày càng có chất. Nhà thơ và anh hùng thế kỷ XV coi “hổ phác, phục linh” như chất kết tinh cái anh hào nhất của một đời mình. Nó cũng “dùng để trợ dân này”. Cuốn sách này của cụ Đồ cũng vậy, Y thuật ấy là sự kết tinh nghề thuốc trong hang trăm bộ sách của mấy mươi thế kỷ. Yêu nước ấy có chiều sâu cá nhân một đời và chiều sâu dân tộc mấy nghìn năm. Nhưng cả hai đều đúc lại thành một thang thuốc hồi sinh, một đạo sống, một con đường phù hợp cho những con người yêu nước bình thường trong tình hình quê hương bị rơi vào tay giặc: giữ khí tiết, không phục vị quân thù, làm một công việc có ý nghĩa vừa giúp dân vừa giúp nước. Thang thuốc có vị cay của gừng, mà cũng có mùi thơm của trầm. Cái chất của cuốn sách tuổi già là vậy.
6. Đạo trời
Đạo trời nào phải ở đâu xa,
Gội tấm lòng người có giải ra.
Mến nghĩa bao đành làm phản nước,
Có nhân nào nỡ phụ tình nhà.
Xưa nay đều chọn đường trung hiếu,
Sách vở còn ghi lẽ chánh tà.
Năm phẩm rừng nhu săn sóc lấy,
Ấy là đạo vị ở mình ta.
Tiêu đề có nơi chép là Đạo người.
Nguồn: Nguyễn Đình Chiểu (thân thế và thơ văn), Nguyễn Bá Thế, NXB Tân Việt, Sài Gòn, 1957
7. Thơ văn yêu nước:
Giặc Pháp đánh chiếm quê hương đất nước, văn chương Đồ Chiểu chuyển từ đề tài đạo đức đời thường sang đề tài đạo đức trong cơn quốc nạn. Ngọn bít Đồ Chiểu lúc này càng hăng hái “đâm gian”, “chở đạo”. Nó phơi bày tất cả thảm họa của nhân dân:
Các bậc sĩ phu nông công cổ, liền mang tai tới súng song tâm,
Mấy nơi tổng lí xã thôn, đều mắc hại cờ ba sắc.
(Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh)
Tố cáo tội ác của giặc ngoại xâm:
Phạt cho đến người hèn kẻ khó, thâu của quay treo;
Tội chẳng tha con nít đàn bà, đốt nhà bắt vật.
Kẻ mười mấy năm trời khốn khổ, bị khảo, bị tù, bị đày, bị giết, trẻ già nghe nào xiết đến tên;
Đem ba tấc hơi mọn bỏ liều, hoặc sông, hoặc biển, hoặc núi hoặc rừng, quen lạ thảy đều rơi nước mắt.
(Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh)
Nguyền rủa bọn người:
…. theo quân tả đạo, quẳng vùa hương, xô bàn độc nghĩ lại thêm buồn;
… ở lính mả tà, chia rượu lạt, gặm bánh mình, nghe càng thêm hổ.
(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Nhiệt liệt biểu dương những anh hùng hi sinh chiến đấu bảo vệ tổ quốc, đặc biệt ca ngợi những người nông dân vố “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó”, nhưng giặc đến thì đã xông lên:
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma mí hồn kinh.
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ.
Và kêu gọi quyết tâm đánh giặc đến cùng:
Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh muôn kiếp nguyện được trả thù kia…
Sau này Nam Bộ mất trọn, trong vòng vây của giặc, ngọn bút của Đồ Chiểu vẫn sáng ngời khí tiết mà nhân vật Kì Nhân Sư trong Ngư tiều y thuật vấn đáp: “ chẳng khứng sĩ Liêu, hai con mắt bỏ liều cho đui”, “thà cho trước mắt mù – Chẳng thà ngồi thấy kẻ thù quân thân” là một biểu trưng đáng quý bằng nghệ thuật. Trong những ngày cuối đời, đất nước, quê hương càng gặp nhiều tủi hận, Đồ Chiểu buồn và thơ văn Đồ Chiểu cũng ít nhiều buồn theo. Nhưng trong đó vẫn ánh lên niềm tin và hi vọng lớn:
Chừng nào Thánh đế ân soi thấu.
Một trận mưa nhuần rửa núi sông.
(Xúc cảnh)
Văn thơ chống Pháp của Đồ Chiểu là tiếng nói nghệ thuật cao cả, cần thiết cho tổ quốc Việt Nam trong cảnh ngộ đau thương. Giá trị của nó không chỉ ở tư tưởng tình cảm mà cũng còn ở độ chín của ngôn ngữ, ở khả năng vận dụng thi pháp nghệ thuật. Nó xứng đáng là lá cờ đầu của nền văn chương chống ngoại xâm thời cận đại như từ lâu sách báo đã nói tới.