Cùng với dàn ý hình tượng cây xà nu cùng với các bài văn mẫu phân tích hình tượng cây xà nu hay và chi tiết sẽ giúp các bạn nắm rõ nội dung và ý nghĩa của tác phẩm. Vì vậy chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu về Hình tượng cây xà nu chính là biểu tượng của mảnh đất và con người Tây Nguyên trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Mời các bạn cùng theo dõi.
Thông tin thêm :
Dàn ý phân tích hình tượng cây xà nu
I. Mở bài
– Giới thiệu một số nét về tác giả: Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, ông có nhiều tác phẩm viết về con người và mảnh đất này.
– Rừng xà nu được đánh giá là khúc sử thi của Tây Nguyên thời kì chống Mĩ, tái hiện con đường đấu tranh của dân làng Xô Man.
– Bên cạnh hình tượng con người anh dũng, nổi bật là hình tượng cây xà nu.
II. Thân bài
– Đây là hình ảnh trung tâm xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
– Gợi màu sắc, không gian núi rừng Tây Nguyên, gắn với cuộc sống sinh hoạt và những sự kiện trọng đại của dân làng Xô Man:
+ Dân làng Xô Man lấy gỗ xà nu, khói xà nu nhuộm đen bảng để học chữ, lửa xà nu chiếu sáng mỗi gian nhà.
+ Đuốc xà nu chiếu sáng cho nhân dân chuẩn bị vũ khí để đồng khởi.
+ Cả rừng xà nu ưỡn thân mình để bao bọc, bảo vệ buôn làng khỏi những trận bom của địch, hàng vạn cây, không có cây nào là không thương tích.
– Hình tượng cây xà nu mang vẻ đẹp tương ứng, song hành với các thế hệ cách mạng tiếp nối của dân làng Xô Man.
+ Những cây cổ thụ đại diện cho lớp người già như cụ Mết: chúng không thể bị quật ngã bởi gió bão, như cụ Mết chính là chỗ dựa tinh thần cho cả buôn làng.
+ Những cây xà nu trưởng thành như Tnú, Mai, Dít: vết thương bom đạn mau lành như trên thân thể cường tráng (hình ảnh lưng Tnú bị chém ngang dọc nhưng cũng lành lại thành sẹo rất nhanh).
+ Những cây xà nu mới mọc tượng trưng cho hình ảnh thiếu niên như bé Heng: “cây xà nu mới mọc lên khỏi mặt đất đã nhọn như mũi tên, mũi lê”, như bé Heng tuy còn nhỏ đã dũng cảm bước tiếp cha anh.
– Nhận xét: thế hệ này ngã xuống đã có thế hệ khác đứng lên đấu tranh giành tự do “bên cạnh một cây xà nu ngã gục đã có 4,5 cây con mọc lên”.
– Những nỗi đau cây xà nu phải chịu cũng mà con người nơi đây phải trải qua: “có những cây bị chặt ngang mình … ở chỗ vết thương nhựa ứa ra rồi dần bầm lại rồi đặc quyện thành từng cục máu lớn …”:
+ Như hình ảnh anh Xút, bà Nhan bị chặt đầu treo lên cây vả
+ Mai và đứa con bị tra tấn bằng gậy sắt đến chết
+ Hình ảnh 10 đầu ngón tay Tnú bị đốt bằng nhựa xà nu đến mức chỉ còn 2 đốt.
– Là kiểu ẩn dụ độc đáo về sức sống bất diệt, tinh thần bất khuất, sức mạnh vùng dậy của dân làng Xô Man trong phong trào đấu tranh vũ trang.
+ Cả ngọn đồi xà nu hàng trăm cây gắn bó với nhau như cộng đồng người Tây Nguyên đoàn kết đánh giặc.
+ Cả cánh rừng bạt ngàn không bao giờ sẽ bị khuất phục: “cây mẹ ngã xuống, cây con mọc lên, đố nó giết hết cánh rừng này”.
+ Cây xà nu sinh sôi nảy nở, ham ánh sáng mặt trời như người Tây Nguyên chân chất khao khát tự do.
– Kết cấu đầu cuối tương ứng: ở đầu và kết thúc câu chuyện đều là hình ảnh rừng xà nu bạt ngàn, tạo ra không gian sử thi cho tác phẩm.
III. Kết bài
– Cảm nhận hình tượng cây xà nu.
– Khái quát giá trị nghệ thuật: ngòi bút giàu chất sử thi, ngôn ngữ giản dị, đậm chất Tây Nguyên, âm hưởng trang trọng, …
– Khái quát giá trị nội dung: Rừng xà nu là một khúc sử thi văn xuôi hiện đại tái hiện vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng của núi rừng, con người và truyền thống văn hóa Tây Nguyên.
Phân tích hình tượng cây xà nu
Mẫu số 1
Tác phẩm “Rừng xà nu” của tác giả Nguyễn Trung Thành là tác phẩm mang đậm chất khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, đặc biệt chỉ qua hình tượng cây xà nu nhà văn đã gợi lên vẻ đẹp không chỉ riêng của vùng đất, con người Tây Nguyên mà còn thổi vào hình ảnh đó một nét đẹp rất đỗi hào hùng, lãng mạn mà cũng đầy khổ đau của cả một cộng đồng.
Hình tượng cây xà nu là một trong những hình tượng xuyên suốt trong cả tác phẩm, Nguyễn Thành Trung đầy ẩn ý khi cả mờ đầu và kết thúc tác phẩm đều thể hiện hình ảnh cây xà nu, tạo nên một kết cấu đầu cuối tương ứng, biến hình tượng cây xà nu trở thành một cấu tứ nghệ hoàn hảo, có vai trò chủ đạo trong việc tạo nên tính logic, hoàn hảo mạch lạc cho tác phẩm.
Hình tượng cây xà nu là nhân chứng, nạn nhân của những cuộc chiến tranh tàn khốc, vừa là biểu tượng cho những nỗi đau mà người dân Tây Nguyên phải trải qua. Trước hết, rừng xà nu là chứng nhân cũng chính là nạn nhân của chiến tranh. Mở đầu tác phẩm, tác giả đã mở ra khung cảnh không bình thường “làng trong tầm đại bác của đồn giặc” tức làng là địa điểm mà liên tục bị địch đánh phá. Nhưng điều tưởng chừng như không bình thường ấy đã trở nên quá đỗi quen thuộc với những cuộc sống con người nơi đây: “Chúng nó bắn đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và buổi xế chiều hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy”. Trong hoàn cảnh đầy nỗi đau thương đó tác giả đã kịp ghi lại những hình ảnh hết sức đau thương mà rừng xà nu phải gánh chịu: “Hầu hết đạn bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu, cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào bị thương”. Với giác quan nhạy bén, con mắt tinh tường, Nguyễn Trung Thành đã quan sát được những đau thương, mất mát mà rừng xà nu phải ngày ngày gánh chịu. Đó không chỉ dừng lại ở nỗi đau riêng lẻ, cá thể mà đó là nỗi đau của cả một cộng đồng, tập thể nơi đây. Sau khi đã quan sát toàn cảnh ông tập trung nhìn cận cảnh để ghi lại những gì là đau xót, kinh hoàng nhất: “Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão” hình ảnh vô cùng đau đớn, xót xa. Cây xà nu đang sinh sôi, lớn lên mạnh mẽ thì bỗng bị bom đạn của chiến tranh ngăn cản điều đó. Đặc biệt nhất ông còn nhấn mạnh vào hình ảnh: “Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi từ từ đen lại đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Bằng hình ảnh hết sức tả thực, cụ thể, tác giả đã biến rừng xà nu từ vô tri vô giác thành những cá thể sống. Chúng phải oằn mình gánh chịu nỗi đau đớn như những người khác. Chỉ bằng những chi tiết nhỏ mà đắt giá tác giả đã làm cho nỗi đau thương, mất mát mà rừng xà nu phải gánh chịu hiện rõ ràng cả trên bề mặt và chiều sâu. Dường như không chỉ có con người Tây Nguyên nơi đây phải chịu cảnh đau thương đó.
Không chỉ vậy, rừng xà nu còn là biểu tượng cho những đau thương mà người dân Tây Nguyên phải gánh chịu. Tất cả những đớn đau, mất mát của rừng xà nu hoàn toàn đồng điệu với những đau thương, mất mát của xóm làng Xô Man phải trải qua. Đó là bà Nhan bị chặt đầu treo lên cây xà nu, Mai và đứa con chết tức tưởi dưới sự tàn sát dã man của kẻ thù, là mười đầu ngón tay Tnú bị đốt bằng nhựa cây,…Chiến tranh thật là tàn nhẫn đã cướp đi tất cả, không chừa một thứ gì và không tha một ai, từ trẻ đến già, chồi non bé nhỏ, chưa kịp nảy mầm đã phải chết dưới sự tra tấn dã man của những kẻ xâm lược.
Rừng xà nu vừa là nạn nhân của chiến tranh nhưng cũng là nhân chứng sống còn cho đến tận ngày nay, đồng thời cũng là biểu tượng phản ánh cho những tội ác mà kẻ thù đã gây ra. Tác giả đã khắc họa đau thương này ngay từ đầu tác phẩm tạo nên sự đồng điệu và chuẩn bị cho sự xuất hiện, làm nổi bật lên những số phận khổ đau của dân làng Xô Man. Đi sâu vào miêu tả cây xà nu cũng chính là để nói lên sự tàn ác của kẻ thù mà tác giả đang hướng tới.
Nhấn mạnh vào nỗi đau của rừng xà nu, tác giả không chỉ dụng ý phê phán, tố cáo tội ác man rợ của bọn cướp nước mà còn với mục đích dùng những nỗi đau đó để ca ngợi sức mạnh vô hạn, ý chí nghị lực kiên cường của thiên nhiên và con người nơi Tây Nguyên. Rừng xà nu đã trở thành biểu tượng đầy đủ, toàn vẹn nhất cho vẻ đẹp của con người nơi đây.
Dựa vào khả năng sinh sôi, phát triển mạnh mẽ của cây xà nu, “trong rừng ít có loài cây nào sinh sôi, nảy nở khỏe như vậy, cảnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình mũi tên, lao thẳng lên bầu trời”. Tác giả đã thể hiện nên được cả khoảng thời gian dài đằng đẵng phải nằm dưới bom đạn của kẻ thù và sự đấu tranh bền bỉ , vô cùng hào hùng và kiên cường, bất khuất của nhân dân Tây Nguyên, người này ngã xuống đã có thế sau tiếp bước chiến đấu với kẻ thù. Có sự tương ứng kỳ lạ giữa các cây xà nu với thế hệ dân làng Xô Man: Bà Nham như một cây xà nu lớn bị giết hại đã có Dít, Heng tiếp bước. Bởi vậy, đồi xà nu nối nhau chạy tới tận chân trời không chỉ là hình ảnh bất tận của thiên nhiên mà còn là biểu tượng truyền thống của những anh hùng Tây Nguyên.
Đặc biệt, tác giả còn sử dụng đến hình ảnh cây xà nu với tất cả đặc điểm của nó để tượng trưng cho sức mạnh, khả năng chịu đựng phi thường, sự dũng mãnh của những người dân Tây Nguyên. Bởi vậy việc những cây đã ngã xuống lại có những cây sau mọc lên vượt cao hơn đầu người, cành lá sum suê mà bom đạn có như nào cũng không thể tàn phá nổi sức sống của chúng. Hình ảnh cây xà nu trưởng thành với sức sống bền bỉ, dẻo dai, mãnh liệt như thách thức sức mạnh của kẻ thù cũng như hình ảnh Tnú, mặc dù bàn tay đã bị nhựa xà nu đốt cháy, nhưng anh vẫn cứ tiếp tục tham gia cách mạng, vẫn cứ chiến đấu và dùng chính bàn tay bị thiêu đốt đó để giết chết kẻ thù. Cây xà nu là biểu tượng về sức sống mãnh liệt phi thường cũng như sự bất khuất, anh dũng của con người Tây Nguyên.
Đặc điểm, dáng vẻ, tính chất của cây xà nu đã thể hiện đầy đủ cuộc đời cũng như phẩm chất của con người Tây Nguyên. Đó chính là vẻ đẹp của sự anh hùng, kiên cường, bất khuất, không bao giờ chịu khuất phục trước bọn cướp nước tàn bạo. Có thể nói cây xà nu là hình tượng đặc trưng, tiêu biểu và chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất trong tác phẩm này.
Mẫu số 2
Nguyễn Trung Thành là bút danh của nhà văn Nguyên Ngọc trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Truyện “Rừng xà nu” của ông viết vào năm 1965, là một truyện ngắn xuất sắc. Truyện kể về cuộc “đồng khởi” của dân làng Xô Man ở Tây Nguyên. Cụ Mết, một già làng, một thủ lĩnh quân sự đã lãnh đạo dân làng Xô Man mài giáo, mác, dụ, rựa… quật khởi đứng lên đánh lũ ác ôn, tay sai của đế quốc Mĩ để giải phóng buôn làng và núi rừng thiêng liêng. Họ đã chiến đấu vì sự sống còn, vì chân lí cách mạng ngời chói: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”. Ngoài những nhân vật cho ta nhiều ấn tượng như cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, bé Heng, anh Quyết,… thì hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn được tác giả khắc hoạ và ngợi ca như một dũng sĩ oai hùng.
Ngày ấy…, cách mạng miền Nam đang trải qua những năm dài đen tối, đầy thử thách khó khăn. Lũ giặc kéo tới, lùng sục, phục kích, không đêm nào chó và súng của chúng không sủa vang cả rừng. Buôn làng bị bao vây, dân làng bị kìm kẹp và khủng bố dã man. Đầu rơi máu chảy, tang tóc và đau thương: giặc treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng; chúng giết bà Nhan, chặt đầu cột tóc treo đầu súng! Cùng chung số phận, chung chịu đau thương với dân làng Xô Man là rừng xà nu nằm trong tầm đại bác của giặc. Chúng bắn ngày, bắn đêm, bắn vào lúc sáng sớm và xế chiều, hoặc lúc đứng bóng và sẩm tối, hoặc lúc nửa đêm và trở gà gáy. Tang tóc bao trùm rừng xà nu. Hàng vạn cây “không cây nào không bị thương”. Đạn giặc chặt đứt ngang thân mình, “cây xà nu đổ ào ào như một trận bão”; nhựa cây đọng lại, tụ lại “bầm lại đen và đặc quyện lại thành từng cục máu lớn”. Rừng xà nu chịu bao tổn thất nặng nề như con người. Biết bao cây non trúng đạn giặc, vết thương “cứ loét mãi ra” sau năm, mười hôm thì cây chết!
Gần 20 lần, nhà văn nói đến rừng xà nu, đồi xà nu, cây xà nu, cành xà nu, ngọn và lá xà nu, nhựa xà nu, khói và lửa đuốc xà nu,… Mỗi lần xuất hiện, cây xà nu mang một dáng vẻ kì lạ, tất cả đều mang ý nghĩa tượng cho phách mãnh liệt của dân làng Xô Man, của núi rừng Tây Nguyên cường bất khuất!
Người Strá đã hiên ngang trong lửa đạn, người trước ngã, người sau tiến lên. Rừng xà nu cung vậy, cạnh một cây bị bắn ngã gục đã có bốn, năm cây mọc lên, sinh sôi nảy nở “ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Nếu như cây kơ-nia có bóng cây tỏa rợp nương rẫy và lòng người biểu trưng cho sự thủy chung tình nghĩa, thì cây xà nu là một loại cây “ham ánh sáng mặt “, hương cây nhựa cây “bay ra thơm mỡ màng”. Ba lần Nguyễn Trung Thành tạo nên những hình ảnh so sánh độc đáo, kì vĩ ca ngợi tầm vóc cây xà nu: lúc thì ngọn cây như một mũi tên lao thẳng lên bầu trời, lúc thì những cây con xà nu mới nhú khỏi mặt đất “nhọn hoắt như những mũi lê”, lúc thì rừng xà nu “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng”. Rõ ràng hình tượng cây xà nu mang tầm vóc và khí phách của một dũng sĩ đích thực trong máu lửa.
Có lúc rừng xà nu được miêu tả dưới cặp mắt của Tnú trong hai thời điểm chiều và sáng, lúc anh về thăm làng và lúc anh lại ra đi. Sau ba năm trời anh đi “lực lượng”, đi tìm những thằng Dục ác ôn để trả thù, anh về thăm quê, thăm lũ làng, gặp lại rừng xà nu như gặp lại người bạn chiến đấu, anh bồi hồi tự hào và say mê ngắm nhìn: “Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”. Và buổi sáng anh lên đường, cùng cụ Mết và Dít còn có rừng xà nu trùng điệp tiễn anh với bao trìu mến và lưu luyến. Anh đã mang theo hình bóng quê hương để ra đi với một sức mạnh mới: “Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”.
Hình tượng rừng xà nu đem đến cho ta nhiều liên tưởng sâu sắc về thế trận chiến tranh nhân dân, về người người lớp lớp, về biểu tượng rừng một về sự hi sinh và đóng góp xương máu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong kháng chiến. Chính vì thế mà trong lúc gặp lại Tnú, cụ Mết đã hào hùng khẳng định với tất cả niềm kiêu hãnh và thách thức: “Mày có đi qua chỗ rừng xà nu gần con nước lớn không? Nó vẫn sống đấy, không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!”.
Nét đặc sắc của truyện ngắn “Rừng xà nu” là nghệ thuật tả cảnh, tả người rất độc đáo. Rừng xà nu không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, không chỉ là cảnh tượng chiến trường bi tráng, mà còn là biểu tượng cho chí khí anh hùng của đồng bào Tây Nguyên, của nhân dân miền Nam anh hùng. Cụ Mết chẳng khác nào dùng sĩ trong sử thi “Bài ca chàng Đam Săn”! Là một già làng 60 tuổi, quắc thước, râu dài tới ngực, mắt sáng vết sẹo của chiến tích sáng bóng, cụ Mết ở trần “ngực căng như một cây xà nu lớn”.
Nói đến hình tượng cây xà nu không thể không nói tới ngọn lửa xà nu. Tác giả đã tạo nên ba nét vẽ về ngọn lửa xà nu, gợi ra một không khí huyền thoại thiêng liêng. Dưới ngọn lửa xà nu, Tnú đã đọc thư “tuyệt mệnh” của anh Quyết gửi dân làng Xô Man trước lúc anh hi sinh. Lần thứ hai, hình ảnh ngọn lửa xà nu rực cháy trên mười ngón tay Tnú, đó là ngọn lửa uất hận, căm thù “máu kêu trả máu, đầu van trả đầu” (Tố Hữu). Lần thứ ba, ánh lửa đuốc xà nu bừng sáng đỏ rực, lấp loáng ánh giáo mác, với tiếng hô: “Chém! Chém hết!” của cụ Mết, đã soi tỏ xác mười tên giặc, trong đó có thằng Dục ác ôn, nằm sóng soài giữa vũng máu trên nhà ưng. Cây xà nu đã chia ngọt sẻ bùi với đồng bào Xô Man trong những năm dài đánh Mĩ và lũ tay sai bán nước!
Nếu như nhà thơ Thu Bồn lấy cánh chim chơ-rao, một nhà thơ khuyết danh đã lấy cây kơ-nia làm biểu tượng cho lòng dân và sức mạnh quật khởi của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ thì nhà văn Nguyễn Trung Thành đã thành công khắc hoạ vẻ đẹp tráng lệ của rừng xà nu để nói lên khí phách anh hùng của dân làng Xô Man, của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam. Hơi hướng Tây Nguyên, màu sắc thần kì, không khí thiêng liêng, phong vị những sinh hoạt truyền thống của núi rừng và con người Tây Nguyên được thể hiện một cách hào hùng qua hình tượng rừng xà nu vậy.
Truyện “Rừng xà nu” là một thành công lớn tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của văn học Việt Nam viết về đề tài chiến tranh. Cảnh vật và con người được chiếu sáng dưới ngọn lửa thiêng liêng thần kì. Nó đã giúp người đọc sống lại một thời kì lịch sử vô cùng đau thương và oanh liệt của dân tộc.
Mẫu số 3
Độc giả biết đến tên tuổi của Nguyên Ngọc qua tác phẩm xuất sắc Đất nước đứng lên của ông. Nhà văn gắn bó với đất nước và con người Tây Nguyên ấy, trong kháng chiến chống Mỹ lại cho ra đời Rừng xà nu. Dưới ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Trung Thành (bút danh mới của Nguyên Ngọc) và bằng bút pháp tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi và lãng mạn, đất nước và con người Tây Nguyên chống Mỹ, lại biểu hiện trước mắt độc giả chân chất, dũng cảm, dạt dào lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của những ngày đầu chống Mỹ cứu nước.
Ấn tượng sâu đậm trong người đọc chính là nhà văn đã xây dựng nên hình tượng cây xà nu, một loài cây tượng trưng cho sức sống bền bỉ, diệu kỳ của nhân dân làng Xô Man, của nhân dân Tây Nguyên. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn chọn hình tượng tiêu biểu này. Đây chính là sự quan sát có chọn lọc. Đế quốc Mỹ ngay từ những ngày đầu đổ quân vào miền Nam, đã khẳng định sức mạnh dã man muốn hủy diệt sự sống, muốn uy hiếp con người. Ấy thế mà cho dù long gốc, bị chặt đứt ngang cây nhựa đỏ như máu, cây xà nu vẫn biểu hiện cái sức sống bền bỉ, không bom đạn nào có thể phá hủy được. Hàng vạn cây xà nu kết lại thành rừng cũng như hàng ngàn, hàng vạn con người làng Xô Man và Tây Nguyên vẫn anh dũng bám trụ, chiến đấu. Cái sức chịu đựng ấy, cái tinh thần kiên cường ấy chẳng là kỳ diệu đến mức huyền thoại sao?.
Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời… cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng.
Bằng một loạt thủ pháp đặc sắc như nhân hóa (bi thương, nửa thân mình ưỡn tấm ngực lớn), từ gợi cảm (ào ào, tràn trề, ngào ngạt, xanh rờn), so sánh (như mũi tên lao thẳng lên bầu trời)… nhà văn đã diễn tả sức mạnh của cây xà nu như con người Xô Man, trước bom đạn quân thù. Làm sao lửa đạn có thể hủy diệt sức sống mãnh liệt ấy, trái lại những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng…
Cả làng Xô Man như một rừng xà nu, cụ Mết như một cây xà nu lớn. Họ là tượng trưng cho lịch sử, cho truyền thống bất khuất từ thời Đam San, Nơ Trang Long. Cụ Mết là người nuôi giữ khát vọng tự do, cụ nói với Tnú, người tiêu biểu của thế hệ tiếp nối “một cây xà nu” mới lớn căng đầy nhựa sống: “không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta…”. Và khi dân làng khởi nghĩa, “cả rừng Xô Man man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng”.
Trong Đất nước đứng lên, Nguyễn Trung Thành đã xây dựng thành công nhân vật anh Núp bắn Pháp chảy máu. Trong Rừng xà nu, ông lại sáng tạo nên một hình tượng mới: hình tượng cây xà nu. Đọc Rừng xà nu, người đọc có thể quên những chi tiết, những sự việc trong truyện, nhưng hình tượng cây xà nu bất khuất, tiêu biểu cho sức mạnh, cho lòng kiên cường của dân làng Xô Man và Tây Nguyên bất khuất thì không thể phai nhạt trong trí nhớ của mọi người Nguyễn Trung Thành bằng nghệ thuật xây dựng hình tượng này, là một đóng góp mới cho văn học Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước.