Phân tích tác phẩm Thuốc Của Lỗ Tấn

Phân tích tác phẩm Thuốc Của Lỗ Tấn đầy đủ và chi tiết nhất

Bài viết này bao gồm dàn ý phân tích và các mẫu phân tích một cách hay nhất, đầy đủ ý nhất. Qua bài văn Phân tích tác phẩm Thuốc Của Lỗ Tấn dưới đây các bạn sẽ thấy được hiện thực đen tối, u ám của xã hội Trung Quốc, khi nhân dân chìm đắm trong u mê, lạc hậu, còn những người làm cách mạng thì xa rời quần chúng.

Tìm hiểu thêm :

Dàn ý phân tích tác phẩm thuốc

I. Mở bài:

– Tác giả: Lỗ Tấn là nhà văn cách mạng lỗi lạc của Trung Quốc đầu thế kỉ XX. Ông là một nhà văn tâm huyết, luôn chỉ ra cái “bệnh” của nhân dân để tìm ra phương thuốc chữa trị. Ông được tôn vinh là “linh hồn dân tộc”.

– Truyện ngắn Thuốc là hồi chuông cảnh báo căn bệnh ngu muội của người dân Trung Hoa đầu thế kỉ XX.

II. Thân bài:

1. Ý nghĩa nhan đề “Thuốc” và hình tượng bánh bao tẩm máu người

– Thuốc là chiếc bánh bao tẩm máu người mà người cha đã mua về cho Thuyên ăn:

+ Hiểu theo nghĩa đen: đó là chiếc bánh bao tẩm máu người được cho là có thể chữa khỏi bệnh lao. Đây là một phương thuốc không có cơ sở khoa học, thậm chí lạc hậu, viển vông.

+ Thuốc ở đây còn là phương thuốc điều trị sự u mê, gia trưởng, lạc hậu về mặt khoa học, của nhân dân Trung Quốc lúc bấy giờ.

+ Thuốc ở đây còn là phương thuốc chữa căn bệnh u mê, lạc hậu về mặt chính trị của người dân, sự xa rời quần chúng của những người làm cách mạng.

– Như vậy, chiếc bánh bao tẩm máu không phải là thuốc chữa trị mà là thuốc độc khiến cho những căn bệnh của người dân, người làm cách mạng trở nên trầm trọng hơn.

– Ngay từ nhan đề và hình tượng “bánh bao tẩm máu người” đã thể hiện nỗi đau của tác giả trước nỗi đau của dân tộc.

2. Cái chết của Hạ Du và thái độ của quần chúng

a. Cái chết của Hạ Du

– Hạ Du được giới thiệu thông qua lời của các nhân vật khác:

+ Hạ Du là một chiến sĩ cách mạng tiên phong, dám xả thân vì nhân dân, vì nghĩa lớn.

+ Nhưng không ai đứng về phía anh, không ai hiểu việc làm của anh, kể cả mẹ mình. Anh đơn độc đổ máu vì quần chúng nhưng đổi lại, quần chúng lại lấy máu của chính anh để chữa bệnh lao.

– Nhận xét: Hạ Du là chiến sĩ cách mạng anh dũng nhưng cô đơn. Anh là biểu tượng của cuộc cách mạng Tân Hợi, cuộc cách mạng góp phần đánh đổ chế độ phong kiến nhưng do xa rời quần chúng nên đã thất bại.

b. Thái độ của đám đông quần chúng trước cái chết

– Đám đông chen lấn nhau để xem hành hình chiến sĩ cách mạng Tử Du

– Khi trời sáng hẳn, ở quán trà của lão Hoa, cậu Năm Gù, cả Khang, người râu hoa râm, … đều bàn tán về cái chết của Tử Du với thái độ miệt thị, khinh bỉ.

– Nhận xét: có thể họ là đám đông mê muội, không hiểu biết về những vấn đề của đất nước, họ “ngủ quên trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”. Lỗ Tấn nhận thấy chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần.

3. Cảnh hai bà mẹ thăm mộ con

– Thời gian nghệ thuật của truyện: cả Hạ Du và Thuyên đều mất vào mùa thu, đến mùa xuân năm sau, trong tiết thanh minh hai người mẹ đến thăm mộ. Cái chết của họ như những chiếc lá mùa thu rời cành để tích nhựa hi vọng. Thể hiện sự lạc quan của tác giả vào tương lai cách mạng, nhận thức nhân dân.

– Hình ảnh con đường mòn phân chia phần mộ thể hiện sự lạc hậu trong tập quán, suy nghĩ của người dân. Hai bà mẹ cùng bước trên con đường ấy thể hiện sự đồng cảm vì tình thương con.

– Hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du: cho thấy đã có người đồng cảm, thấu hiểu Hạ Du, nghĩa là cuộc cách mạng vẫn còn hy vọng. Vòng hoa cũng là sự tiếc thương, trân trọng của Lỗ Tấn đối với người chiến sĩ cách mạng kiên cường.

III. Kết bài:

– Khái quát nghệ thuật: cách viết cô đọng, súc tích, giàu hình ảnh mang tính biểu tượng.

– Qua tác phẩm, nhà văn đã chỉ ra căn bệnh ngu muội của người dân Trung Hoa lúc bấy giờ, nhưng vẫn đặt niềm tin vào tương lai: nhân dân sẽ thức tỉnh, hiểu cách mạng và đi theo cách mạng nhờ phương thuốc điều trị tâm hồn.

Phân tích tác phẩm Thuốc Của Lỗ Tấn

Phân tích tác phẩm Thuốc Của Lỗ Tấn

Mẫu số 1

Người nổi tiếng bởi quan điểm: “Chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần” không ai khác chính là Lỗ Tấn. Là một nhà thơ tiên phong và là tấm gương noi theo của nhiều thế hệ, Lỗ Tấn đã có sự nghiệp văn nghệ không nhỏ. Ông là người đã khai sinh ra nền văn học cách mạng Trung Quốc. Với phong cách trong nóng ngoài lạnh, các tác phẩm của ông đều để lại những bài học sâu sắc. Và trong đó là “Thuốc”.

“Thuốc” được sáng tác vào năm 1919 khi xã hội Trung Quốc là nước thuộc địa nửa phong kiến, các nước đế quốc tranh nhau xâu xé, nhân dân an phận chịu nhục, phong trào Ngũ Tứ nổ ra. Tác phẩm được đăng lần đầu trên Tân thanh niên sau được in trong “Gào thét”. “Thuốc” là sự phanh phui về sự u mê lạc hậu của quần chúng, là bức tranh miêu tả bi kịch của người cách mạng tiên phong và là sự đồng cảm, trân trọng ngợi ca của tác giả đối với những người tiên phong ấy. Trong tác phẩm là hai câu chuyện: câu chuyện mùa thu là mua thuốc – ăn thuốc – bàn về thuốc và câu chuyện mùa xuân – hậu quả của thuốc.

Tác phẩm gây ấn tượng đầu tiên bởi nhan đề: “Thuốc”. Theo nghĩa thực, nhan đề này chỉ một thứ dược phẩm, thứ thuốc truyền thống chữa bệnh lao: “bánh bao tẩm máu người chết chém” – một thứ thuốc quái đản, mê tín, phản khoa học. Nhưng ý nghĩa nhan đề không dừng lại ở đó. Nhà văn muốn gửi đến người đọc bức thông điệp. Đó là cần phải cảnh tỉnh, cần có một thứ thuốc đặc hiệu để chữa sự u mê, mu muội, vô cảm của quần chúng; chữa trị cho người cách mạng bởi họ chưa thoát khỏi tư tưởng tư sản, còn xa rời, thoát ly quần chúng nhân dân. Với ý nghĩa như vậy nên “thuốc” đã trở thành tác phẩm có tiếng vang lớn thời kỳ này.

Mở đầu bằng câu chuyện lúc “đêm thu gần về sáng”, lão Hoa đến pháp trường để mua thứ thuốc “thần dược” về chữa bệnh lao cho con trai độc đinh của lão. Trên đường đi mua thuốc, tâm trạng lão sảng khoái, trẻ lại như được cải tử hoàn sinh. Vì sao ư? Bởi lẽ lão sắp cứu được đứa con trai của gia đình mười đời độc đinh. Thứ “thần dược” ấy chính là chiếc bánh bao tẩm máu người chết chém. Lão để tinh thần vào cái gói bánh ấy nâng niu như đứa con. Mặc dù lúc đầu thái độ của lão còn sợ, run không dám cầm nhưng sau lão sung sướng. Mua được thuốc rồi, lão đem về cho con trai ăn. Chiếc bánh bao ấy được bọc trong lá sen đem nướng. Quái đản như vậy mà vợ chồng lão Hoa vẫn tin tưởng nói với con: “Ăn đi con! Sẽ khỏi ngay”. Rồi hai vợ chồng lão lại “trố mắt nhìn con như muốn rót vào người con một cái gì đồng thời cũng muốn lấy ra một cái gì”. Không chỉ có vợ chồng lão tin vào thứ thuốc này mà những người đang bàn luận sôi nổi ngoài quán trà kia cũng như vậy. Họ tin nó là một thần dược: “cam đoan thế nào cũng khỏi, nhất định thế nào cũng khỏi, thứ thuốc này đặc biệt lắm”…. Nhưng cuối cùng chiếc bánh bao tẩm máu người tử tù đã không cứu được con trai lão. Bằng câu chuyện này nhà văn đã vạch trần được sự u mê tăm tối mu muội của người dân lao động lúc bấy giờ. Bánh bao tẩm máu người là thứ thuốc quái đản, gây chết người, thứ thuốc độc, phản khoa học. Muốn chữa bệnh lao phải có một thứ thuốc đặc hiệu.

Song song với câu chuyện xung quanh thuốc của gia đình lão Hoa là chuyện người tử tù Hạ Du. Nhân vật này xuất hiện gián tiếp qua lời bàn luận của các nhân vật. Hạ Du là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, đấu tranh với tư tưởng “thiên hạ Mãn Thanh chính là của chúng ta”. Thế nhưng trong mắt mọi người anh chỉ là: “thằng quỷ sứ”, “nhãi con”, “khốn nạn”, “điên”…. Người chú ruột của anh tố cáo cháu mình chỉ để lấy hai mươi lạng bạc. Bác Cả Khang lại coi anh là công cụ bán máu để trục lợi. Lão Nghĩa cũng chỉ tiếc cái áo. Còn đối với vợ chồng lão Hoa, anh là phương thuốc chữa bệnh cho con trai họ. Tất cả con mắt mọi người đều cho anh là giặc, chết là phải. Một cán bộ cách mạng, một con người đi theo lý tưởng của cách mạng mà lại bị coi là giặc trong cái xã hội mà chính anh bảo vệ. Một nghịch lý đáng nực cười của cái xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Hình ảnh người tử tù Hạ Du đã tố cáo gay gắt tình trạng tê liệt, u mê của quần chúng về chính trị, chỉ rõ sự xa rời thoát ly quần chúng của người cách mạng, khẳng định đất nước Trung Quốc lúc bấy giờ là một con bệnh thập tử nhất sinh, cần có thứ thuốc để chữa trị, tránh nạn vong quốc.

Cuối tác phẩm là con đường mòn ở nghĩa địa. Cả hai bên “mộ dày khít, lớp này lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ”. Những người chết oan giống con trai lão Hoa và những người phải đổ máu giống Hạ Du đều đã hy sinh tính mạng chỉ vì tập quán, lối suy nghĩ ấu trĩ, mê muội và lạc hậu. Suy nghĩ ấy như con đường mòn nơi nghĩa địa kia. Nhưng thật kì diệu, con đường mòn ấy đã bị xóa bỏ bởi bà Hoa đã sang an ủi mẹ của Hạ Du. Chi tiết vòng hoa trên mộ Hạ Du vừa là tấm lòng của tác giả dành cho người liệt sĩ, vừa là sự gửi gắm niềm tin. Một kết thúc có hậu cho tất cả sự hi sinh. Máu của người chiến sĩ đã thức tỉnh được một bộ phận quần chúng, có người đã hiểu cái chết vinh quang của họ và nguyện đi theo họ.

Khép lại truyện ngắn, Lỗ Tấn không khỏi khiến người đọc thôi băn khoăn. Nghĩ về cái xã hội Trung Quốc thời kỳ bấy giờ. Câu chuyện không chỉ đơn thuần là truyện mà còn là bức thông điệp, bài học lịch sử mà Lỗ Tấn muốn gửi gắm. Câu truyện đã đến với người đọc nhờ giá trị nội dung sâu sắc ấy.

Mẫu số 2

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, Trung Quốc dưới ách thống trị ngột ngạt, tù túng của triều đại Mãn Thanh, cùng với sự can thiệp thô bạo, sự giằng xé gay gắt của các nước đế quốc, đất nước và người dân Trung Hoa rơi vào cảnh khủng hoảng, suy thoái hết sức trầm trọng. Bầu trời chính trị tối tăm, u ám, rối ren đã gieo rắc những nỗi bất an, lo sợ vào tâm trí của mỗi người dân khi ấy, khiến họ chìm sâu vào u mê, ngu muội, lạc hậu, họ “ngủ quên trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”. Trong tình cảnh đó, nhà văn Lỗ Tấn – một nhà văn lỗi lạc của văn học Trung Hoa đã viết lên tác phẩm “Thuốc”, truyện ngắn là một bức tranh hiện thực đầy chân thực về số phận của những người cách mạng và vạch trần “căn bệnh tinh thần” của quần chúng, nhân dân.

Lỗ Tấn là nhà văn cách mạng lỗi lạc được sinh ra ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Thuở nhỏ, ông đã chứng kiến cảnh người cha lâm bệnh, vì không có thuốc mà chết, vì vậy lớn lên ông ôm ước mơ trở thành thầy thuốc. Khi trưởng thành ông bắt đầu theo con đường lương y, nhưng trong một lần xem một bộ phim về người Nhật đang đưa một người Trung Quốc ra xử trảm trước sự chứng kiến của những con người Trung Quốc khỏe mạnh, ông đã đột ngột rẽ hướng chuyển sang làm một nhà văn bởi ông cho rằng “chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần”. Trong các sáng tác của mình ông không ngại phanh phui thẳng thắn những thói hư, tật xấu, những ngu dốt mê muội của quần chúng, để tìm ra “phương thuốc chạy chữa” căn bệnh đó, để tự mình vươn lên, để làm nên một dân tộc tự do, tự lực, tự cường. Trong toàn bộ những sáng tác của mình, ngòi bút của Lỗ Tấn thường tập trung khai phá những căn bệnh tinh thần khiến cho quần chúng nhân dân mê muội, tự thỏa mãn và dần tha hóa biến chất, ngòi bút sắc sảo cùng với thái độ tự phê phán nghiêm khắc của mình nhà văn đã tạo lên những tác phẩm có ý nghĩa lớn lao với những giá trị nhân văn sâu sắc. Truyện ngắn “Thuốc” được viết vào năm 1919 đúng vào thời điểm phong trào chống đế quốc phong kiến, đòi tự do dân chủ của học sinh, sinh viên Bắc Kinh diễn ra bùng nổ. Truyện nói về căn bệnh “đớn hèn” của quần chúng và lối đi sai lầm của những người cách mạng. Tác phẩm như hồi chuông cảnh tỉnh rằng: “Người Trung Quốc cần suy nghĩ nghiêm túc về một phương thuốc để cứu lấy dân tộc”.

Chưa cần đọc tác phẩm, Lỗ Tấn đã làm cho người đọc phải ấn tượng với tên của nhan đề: “Thuốc” – một cái tên hết sức ngắn gọn và súc tích. Chẳng cần những từ ngữ hoa mỹ hay cầu kỳ, nhan đề tác phẩm đã đã nói lên được giá trị cốt lõi của toàn tác phẩm với nhiều tầng nghĩa khác nhau. “Thuốc” ở đây là một “chiếc bánh bao có tẩm máu người”. Đầu tiên có thể hiểu “Thuốc” theo nghĩa thực trần trụi của nó đó là một vị thuốc để chữa bệnh, mà trong tác phẩm nó được dùng để chữa bệnh ho lao. Máu người có thể chữa được bệnh lao ư? Sao lại có một lối suy nghĩ vừa quái gở, dị hợm, lạc hậu, ngu dốt lại vừa phản khoa học đến vậy! Cũng từ điều đó mà nhà văn liên tưởng đến cái chết của bố mình, cũng chỉ vì ngu muội, lạc hậu làm theo lời của một ông thầy lang rằng dùng rễ cây mía đã kinh sương ba năm và một đôi dế đủ con đực, con cái để chữa bệnh phù thũng và cuối cùng nó dẫn đến cái chết của ông cụ. Cách chữa bệnh bằng những bài thuốc truyền miệng bởi sự mê tín của người dân, đã phần nào khắc hoạ được cho người đọc thấy tình hình của xã hội Trung Quốc u mê, dốt nát lúc bấy giờ.

Nhan đề “Thuốc” của tác phẩm không chỉ dừng lại ở nghĩa tường minh đó mà nó còn mang nghĩa biểu tượng, ẩn chứa những ý nghĩa sâu sắc mà tác giả khéo léo gửi gắm vào đó. “Thuốc” còn là phương thuốc dùng để chữa căn bệnh tinh thần: Căn bệnh gia trưởng, căn bệnh mê tín, lạc hậu, ngu dốt về mặt khoa học của người dân Trung Quốc. Vợ chồng lão Hoa vì thiếu hiểu biết và gia trưởng nên đã tự mình áp đặt cho đứa con trai của mình một phương thuốc thật kinh dị, quái gở là “chiếc bánh bao tẩm máu người”. Khi cái chết đang trực chờ, họ lại đặt cược mạng sống của con mình vào một chiếc bánh bao nhuốm máu, vô tình đẩy con mình vào ngõ cụt. Có lẽ thằng Thuyên – con trai của họ đã sống sót nếu như được chữa trị đúng cách bởi vì lao là một căn bệnh không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể chữa khỏi. Điều đáng buồn là không chỉ vợ chồng lão Hoa mà tất cả mọi người trong quán trà đều tin tưởng vào điều vô cùng phi lý ấy. Bánh bao tẩm máu người kia không những không phải thần dược như những kẻ ngu muội kia đang đặt hy vọng, mà nó còn thứ thuốc “độc” giết chết đi một mạng người, giết chết đi tư tưởng của cả một xã hội.

Đất nước Trung Hoa đang rơi vào cảnh nguy khó hơn bao giờ hết, điều đó bắt nguồn ngay từ trong chính quần chúng nhân dân, họ đang mắc phải một căn bệnh tưởng chừng như vô phương cứu chữa, đó là căn bệnh “u mê, lạc hậu về chính trị”. Người dân nô nức dẫn nhau đi xem một chiến sĩ cách mạng bị xử tử hình, họ còn cho rằng đó là giặc, là kẻ điên và sẵn sàng mua máu của anh về làm thuốc. Người anh hùng dám xả thân vào sự nghiệp bảo vệ đất nước, anh sẵn sàng hy sinh chẳng tiếc đời mình để cho người dân được hưởng tự do, độc lập. Ấy vậy mà khi anh nằm xuống, những con người ngu muội kia chẳng những không xót thương, đau lòng mà họ còn miệt thị, khinh bỉ, coi cái chết của anh là đáng đời. Lỗ Tấn đã chỉ ra căn bệnh của quần chúng nhân dân và đi sai lầm của người làm cách mạng, họ đã xa rời nhân dân, không lấy nhân dân làm gốc, cũng chính bởi lẽ đó đã làm cho đất nước ngày càng lún sâu vào bế tắc, người dân thì ngày càng u mê trong lối suy nghĩ tầm thường, lạc hậu. Có thể nói chỉ với nhan đề của tác phẩm mà tác giả đã gói trọn hết hiện thực xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ, đó cũng là chủ đề tư tưởng bao trùm cả tác phẩm, nói lên nỗi trăn trở, xót xa của tác giả trước tình cảnh đất nước đang lâm nguy: Nhân dân không gắn bó với cách mạng, còn những người cách mạng thì “bôn ba trong chốn quạnh hiu”.

Mở đầu tác phẩm, Lỗ Tấn đã dẫn dắt người đọc đến với câu chuyện vào “một đêm mùa thu” khi trời mới nhá nhem sáng, ngoài đường tối om, khung cảnh lúc này thật vắng lặng, ảm đạm không có lấy một bóng người “ngoài những giống đi ăn đêm, còn thì ngủ cả”. Lão Hoa đã dậy từ rất sớm, rời khỏi nhà từ lúc mặt trời còn chưa mọc để đến pháp trường với hy vọng tìm được thứ thuốc “thần” để cứu đứa con lão từ cõi chết trở về. Lão bước đi đều đều trên con đường lạnh lẽo tối om, lòng sảng khoái lạ lùng, lão cảm thấy mình như trẻ lại. Chẳng phải tự nhiên mà lão Hoa lại vui mừng, phấn khởi đến thế, bởi lão nghĩ tới thằng Thuyên – con trai lão ở nhà sắp được cứu sống, đó là đứa con trai duy nhất “mười đời độc đinh” đang mắc phải căn bệnh ho lao. Tới pháp trường, khi được tận mắt trông thấy thứ thuốc mà ông cho là “thần dược” ấy lão lại thấy sợ hãi không dám đưa tay ra cầm lấy, thần dược kia chính là “chiếc bánh bao nhuốm máu đỏ tươi” của người vừa bị xử tử.

Thật đáng sợ biết bao, một chiếc bánh nhuốm máu của người chết chém làm sao lại có thể trở thành thuốc chữa bệnh? Một người chiến sĩ cách mạng bị xử tử, chẳng một ai xót thương, họ còn nhẫn tâm dùng máu của anh để bán chác, họ coi anh như kẻ tội đồ nên mới dửng dưng trước cái chết đầy oan ức của người làm cách mạng – Hạ Du. Lão Hoa cầm và nâng niu gói bánh như “đứa con của gia đình”, để cả tinh thần mình vào đó, lúc này tai lão chẳng nghe được gì nữa, chỉ nghe thấy duy nhất tiếng đứa con trai đang chờ lão quay về. Cái bánh bao loang lổ máu đỏ được bà Hoa gói vào trong một lá sen và đem đi nướng trong bếp lửa thành một thứ “tròn tròn, đen đen”, họ vẫn một mực tin tưởng vào sự thần kỳ của vị thuốc thần quái dị kia mà nói “Ăn đi con! Sẽ khỏi ngay”. Họ tin tưởng không một chút hoài nghi, chỉ cần ngủ một giấc dậy đứa con họ sẽ lại khoẻ mạnh như xưa. Tình yêu sâu sắc đối với đứa con duy nhất này đã làm cho đôi vợ chồng già trở nên mù quáng, mê muội, họ vừa đáng thương cũng vừa đáng trách. Mà cũng chẳng riêng gì vợ chồng lão Hoa, tất cả mọi người đều tin vào vị thuốc phản khoa học ấy, bác Cả Khang còn khẳng định chắc nịch “cam đoan thế nào cũng khỏi”, những vị khách trong quán trà cũng phụ hoạ theo “thứ thuốc này đặc biệt lắm”, “nhất định sẽ khỏi thôi mà”,… Những lời nói đó của mọi người lại càng gieo thêm sự tin tưởng cho gia đình người chủ quán, không ai bàn tán gì thêm về vấn đề này bởi họ nghĩ thằng Thuyên chắc chắn sẽ khỏi bệnh không thể nào khác đi được. Dù đã ăn chiếc bánh bao kia, nhưng cuối cùng Thuyên cũng chết, cái chết đầy xót xa, đáng thương bởi nó đã giao hết sự sống của mình cho cha mẹ định đoạt, nó chẳng hay hề biết được rằng chính “chiếc bánh bao tẩm máu người” kia đã gián tiếp cướp đi mạng sống của nó. Nhà văn Lỗ Tấn đã vạch trần hiện thực trần trụi của đất nước Trung Quốc dưới sự thống trị nhà Thanh đã đẩy người dân vào cuộc sống bế tắc, cùng cực, chìm sâu vào những u mê, lạc hậu, ngu muội. Bệnh tật phải được chữa bằng một phương thuốc đặc hiệu, đúng đắn chứ không thể chữa được bằng phương pháp mê tín, dị đoan.

Không cần dùng quá nhiều câu văn để miêu tả, Lỗ Tấn đã khéo léo lồng ghép, đan xen vào cuộc nói chuyện của những vị khách trong quán trà, người tử tù cũng chính là một người chiến sĩ cách mạng anh dũng tên Hạ Du. Anh là một trong số những người dân sớm giác ngộ tư tưởng cách mạng, anh chọn cho mình lối đi hướng tới cách mạng, dám xả thân, hy sinh thân mình cho đất nước, cho dân tộc. Thế nhưng trong mắt quần chúng nhân dân anh lại chỉ là: “nhãi con”, “thằng quỷ sứ”, “khốn nạn”, “điên”… Ngay cả người chú ruột cũng không nghĩ tới tình thân mà đứng ra tố cáo cháu mình để đổi lấy hai mươi lạng bạc, bọn họ còn tiếc cái áo hơn cả mạng sống con người, thậm chí lúc anh nằm xuống nơi pháp trường thì máu của anh cũng dùng để làm thứ trao đổi mua bán. Tình cảnh bi hài, trớ trêu làm sao, khi người chiến sĩ cách mạng bị gọi là giặc trong chính đất nước mà anh ra sức bảo vệ. Tình cảnh xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ như một kẻ bệnh tật đang đứng bên bờ cõi của cái chết, cần một liều thuốc đặc trị mới có thể thoát khỏi nạn vong quốc. Hình tượng người tử tù, chiến sĩ Hạ Du đã lên án, tố cáo gay gắt tình trạng suy thoái của đất nước trước sự u mê, ngu muội của quần chúng về chính trị và sự xa lánh thoát ly ra khỏi quần chúng nhân dân của người làm cách mạng.

Không gian truyện được bao trùm bởi sự bế tắc, ảm đạm, lạnh lẽo nhưng thời gian của truyện được Lỗ Tấn miêu tả có sự chuyển biến tích cực từ mùa thu “trảm quyết”, “chết chóc” đến mùa xuân “Tiết thanh minh” năm ấy. Điểm nhìn của tác giả xuôi theo mạch cảm xúc, suy tư lạc quan, niềm hy vọng về tương lai tươi đẹp của đất nước. Con đường mòn nhỏ hẹp, quanh co mà người đi mãi cũng thành đường, từ lâu đã trở thành cái “ranh giới tự nhiên” giữa mộ của những người chết chém, chết tù với mộ của những người nghèo. Cái ranh giới từ lâu đã hằn sâu trong tư tưởng của nhân dân, là sự phân biệt giữa những cuộc đời có sự khác nhau trong lối suy nghĩ. Ngay cả mẹ Hạ Du cũng chẳng hiểu được con mình, khi có người bắt gặp bà ở nghĩa trang, bà chững lại không dám bước tới mộ con, sắc mặt bà “đỏ lên vì xấu hổ”. Nhưng con đường mòn kia dường như chẳng còn tồn tại khi bà Hoa chủ động đi tới bên kia phía trái con đường để an ủi, động viên và chia sẻ với nỗi đau mất con của mẹ Hạ Du. Một vòng hoa nhỏ xuất hiện trên mộ Hạ Du, đây có thể là do một người dân để lại để tưởng nhớ đến công lao, biết ơn, thấu hiểu sự hy sinh của người chiến sĩ, đồng thời cũng là tấm lòng thương xót, biết ơn, sự trân trọng của nhà văn dành tặng với một niềm hy vọng vào tương lai tốt đẹp. Hình ảnh vòng hoa cũng nhen nhóm một tia hy vọng nhỏ nhoi khi có người đã hiểu được ý nghĩa của sự hy sinh cao cả của người anh hùng cách mạng Hạ Du. Có lẽ không còn lâu nữa, đất nước Trung Quốc sẽ tươi đẹp hơn.

Với ngòi bút cô đọng, súc tích, cùng lối viết giàu hình ảnh sinh động và chân thực Lỗ Tấn đã gợi lên trong lòng mỗi người đọc những suy nghĩ băn khoăn, những thắc mắc về tình cảnh đất nước Trung Hoa thuở bấy giờ. Lỗ Tấn – một nhà văn lỗi lạc, là “linh hồn của dân tộc”, ông đã khóc trước “nỗi đau của cả dân tộc” trong từng tác phẩm của mình, với Thuốc mang hình thức là một truyện ngắn nhưng lại có kích thước của một truyện dài, để lại giá trị lịch sử ý nghĩa vô cùng to lớn cho đất nước.

Mẫu số 3

Lỗ Tấn (1881 – 1936) tên thật là Chu Thụ Nhân, quê ở phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ông là nhà văn cách mạng thế hệ đầu tiên có phương châm và mục đích sáng tác đúng đắn là dùng ngòi bút để phanh phui các “căn bệnh tinh thần của quốc dân” – một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho xã hội Trung Quốc trở nên trì trệ và suy thoái.

Sự nghiệp sáng tác của Lỗ Tấn gồm 3 tập truyện ngắn, 16 tập tạp văn với các đề tài chính trị, xã hội, văn chương… Ông xứng đáng là ngọn cờ đầu của văn học Trung Quốc hiện đại. Truyện ngắn Thuốc sáng tác năm 1919 là tác phẩm thể hiện khá rõ những băn khoăn, day dứt của Lỗ Tấn trước những vấn đề quan trọng của xã hội Trung Quốc đương thời. Tác giả phê phán sự lạc hậu, mê muội đáng thương của số đông dân chúng và thái độ xa rời thực tế xa rời quần chúng của những người khởi xướng và tham gia cuộc cách mạng Ngũ Tứ lúc bấy giờ. Đồng thời ông cũng gửi gắm trong truyện niềm hi vọng vào tương lai Trung Quốc sẽ có một cuộc cách mạng triệt để của quần chúng và vì quần chúng.

Bối cảnh của truyện là xã hội tăm tối, ngột ngạt dưới ách thống trị của triều đình Mãn Thanh trước khi nổ ra phong trào cách mạng Ngũ Tứ – sự kiện mở đầu cho lịch sử Trung Quốc hiện đại. Sự xâm chiếm và can thiệp thô bạo của một số đế quốc như Anh, Pháp, Mĩ, Nhật đã biến Trung Quốc thành một nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Thời vàng son của các triều đại vua chúa đã ở vào dĩ vãng. Thay vào đó là một xã hội đình trệ, suy thoái mà theo nhận định của Lỗ Tấn: So với tiến bộ thì đình trệ cũng gần với con đường diệt vong rồi.

Nội dung truyện xoay quanh chủ đề Thuốc – một thứ “thuốc” kinh khủng, gớm ghiếc hiếm có xưa nay. Đó là bánh bao tẩm máu tươi của những kẻ tử tù bị chém đầu, đem nướng lên cho người bệnh ăn. Thiên hạ đồn rằng thứ thuốc ấy chữa khỏi được cả những bệnh thuộc “tứ chứng nan y” như phong, lao, cổ, lại. Vợ chồng lão Hoa chủ quán trà gom góp số tiền tích cóp đã lâu và lão Hoa đích thân đến tận pháp trường để mua “thuốc” cho con trai bị bệnh lao nặng, với hi vọng là nó sẽ khỏi bệnh. Nhưng đau xót thay, máu của tử tù chết chém không chữa được bệnh lao! Thế là tiền mất tật mang, cuối cùng đứa con trai độc đinh của vợ chồng lão Hoa vẫn chết.

Ngòi bút của Lỗ Tấn đã đề cập tới một vấn đề đáng lo ngại là tập quán chữa bệnh phản khoa học – một trong những biểu hiện của tình trạng lạc hậu về mặt khoa học ở Trung Quốc, cũng như trong dời sống tinh thần của dân chúng mà nhân vật Thuyên chỉ là một trong muôn ngàn nạn nhân của tập quán hủ lậu ấy.

Tuy nhiên, Lỗ Tấn còn kín đáo gửi gắm dụng ý của mình trong nghĩa hàm ẩn của truyện. Con bệnh trầm kha không phải là anh chàng Thuyên tội nghiệp mà là đầu óc mê muội của vợ chồng lão Hoa nói riêng và số đông dân chúng nói chung. Theo nhận xét của tác giả thì cả xã hội Trung Quốc thời ấy giống như một người mắc bệnh nặng, đòi hỏi phải có một thứ “thuốc” đặc trị thì mới có thể chữa khỏi; đồng thời ông cũng chỉ ra rằng con đường đi của dân tộc Trung Hoa lúc này đã lâm vào ngõ cụt, cần phải nhanh chóng phát quang mọi con đường mới.

Truyện ngắn Thuốc giống như một vở kịch ngắn gồm bốn cảnh:

Cảnh thứ nhất: Lão Hoa mang tiền đến pháp trường để mua chiếc bánh bao tẩm máu tử tù.
Cảnh thứ hai: Vợ chồng lão Hoa cho con trai (Thuyên) ăn bánh bao tẩm máu nướng.
Cảnh thứ ba: Khách khứa tụ tập bàn tán ở quán trà lão Hoa.
Cảnh thứ tư: Tiết Thanh minh, mẹ Thuyên ra thăm mộ con, tình cờ gặp mộ của tử tù bữa trước.
Mở đầu tác phẩm, tác giả tả cảnh lão Hoa chủ quán trà dậy thật sớm, bảo vợ đưa tiền để đến pháp trường mua chiếc bánh bao tẩm máu tử tù về làm thuốc chữa bệnh lao cho đứa con trai duy nhất. Lỗ Tấn có cách kể chuyện xen miêu tả rất tự nhiên, sinh động. Nhiều chi tiết nhỏ nhưng lại có tác dụng kết nối, tạo mạch cho câu chuyện tiếp diễn theo trình tự thời gian. Chẳng hạn tràng ho không dứt của thằng Thuyên như thúc giục lão Hoa nhanh chóng lên đường lúc trời chưa sáng; hay lòng thương con và niềm hi vọng con sẽ khỏi bệnh khiến cho lão Hoa bước nhanh hơn.

Lão Hoa mê muội tin vào thứ thuốc chữa bệnh lao quái dị: bánh bao tẩm máu tử tù nên cố lách vào đám đông hỗn độn đang xô đẩy nhau ào ào để mua cho bằng được thứ mà lão coi như thuốc tiên, cổ thể cứu mạng đứa con trai của mình. Thứ “thuốc” đáng sợ và hiếm có ấy được rao bán như bán các món hàng bình thường khác. Ngòi bút tả thực sắc sảo của Lỗ Tấn khiến người đọc cảm thấy như cảnh tượng hãi hùng ấy đang diễn ra trước mắt.

Có một chi tiết mang ý nghĩa ẩn dụ là không phải chỉ một mình lão Hoa vội vàng đi mua bánh bao tẩm máu tử tù để chữa bệnh mà rất nhiều người khác cũng có ý định như lão. Qua chỉ tiết này, Lỗ Tấn muốn nói đến thực trạng đáng lo ngại: số đông dân chúng Trung Quốc đương thời vẫn tin vào những điều nhảm nhí không có cơ sở khoa học, bởi thói mê tín dị đoan đã tiêm nhiễm vào đầu óc họ, trở thành một căn bệnh tinh thần khó chữa.

Ở cảnh hai, niềm hân hoan, tin tưởng và hi vọng của lão Hoa mỗi lúc một dâng cao. Về đến nhà, lão cùng với vợ vội vàng chế biến “thuốc cải tử hoàn sinh” rồi cho con trai ăn chiếc bánh bao tẩm máu nướng đen thui. Thuyên cầm chiếc bánh lên nhìn, có cảm giác rất lạ không biết thế nào mà nói, như đang cầm tính mệnh của chính mình trong tay. Y bẻ đôi ra, rất cẩn thận…

Không bao lâu, chiếc bánh đã nằm gọn trong bụng… Lão Hoa đứng một bên, bà Hoa đứng một bên, trố mắt nhìn con như muốn rót vào người con một cái gì, đồng thời cũng muốn lấy ra một cái gì.

Tác giả đã thể hiện tài tình diễn biến tâm trạng của từng nhân vật trong đoạn văn này. Cha mẹ Thuyên nhìn con ăn chiếc bánh bao mà lòng khấp khởi hi vọng, tin rằng con sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Họ muốn rót vào người con sự sống, đồng thời cũng muốn lấy ra căn bệnh lao đáng sợ mà người đời đã liệt vào hàng “tứ chứng nan y”, ai mắc phải là cầm chắc cái chết. Vợ chồng lão Hoa là những nhân vật vừa đáng thương vì tình phụ tử, mẫu tử của họ thật cảm động, nhưng lại vừa đáng giận bởi họ mê tín đến ngu muội.

Hình ảnh đám đông trong quán trà của lão Hoa cũng phản ánh rất chân thực về “căn bệnh tinh thần” của người Trung Quốc. Quán trà lão Hoa là nơi tụ họp thường xuyên của khách bình dân. Tại đây, lượng thông tin chẳng những rất phong phú mà còn rất thật.

Khách uống trà gồm một người râu hoa râm, cậu Năm Gù, bác cả Khang, một anh chàng hơn hai mươi tuổi… và một số người khác. Họ là những người thuộc số đông dân chúng Trung Quốc lúc bấy giờ. Quán trà của lão Hoa giống như xã hội Trung Quốc thu nhỏ.

Đám khách uống trà bàn tán xoay quanh hai sự kiện nóng hổi: Thứ nhất là chuyện lão Hoa mua được “thần dược”; thứ hai là chuyện Hạ Du bị chết chém. “Thuốc tiên” để trị “bệnh quỷ” mà người Trung Quốc vẫn tôn sùng lúc bấy giờ chính là bánh bao tẩm máu tử tù. Bánh bao thì luôn luôn có sẵn, nhưng còn máu tử tù? Máu tử tù không sẵn nhưng cũng không phải là hiếm, chì cẩn có tiền là mua được, nhất là vào đúng dịp có tử tù bị chém. Lão Hoa có con mắc bệnh lao nặng, may mắn gặp ngay dịp Hạ Du bị chém đầu. Cho nên hôm ấy ở quán trà nhà lão Hoa, người ta chỉ bàn đến hai chuyện ấy cũng là điều dễ hiểu, vấn đề quan trọng ở đây là thái độ của họ trước hai sự kiện này ra sao?

Về sự kiện thứ nhất, mọi người đều mừng cho lão Hoa đã may mắn mua được “thần dược” và họ đặt niềm tin tuyệt đối vào phương thuốc kì quái ấy. Chỉ trong một đoạn văn ngắn mà có tới sáu lần nhắc lại câu: Cam đoan thế nào cũng khỏi, giống lời khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột.

Về sự Kiện thứ hai, mọi người đều tỏ thái độ khinh bỉ, dè bỉu và dùng những lời lẽ xấu xa nhất để gọi Hạ Du: tên phạm, thằng quỷ sứ, thằng nhãi con, thằng khốn nạn… Họ coi anh là giặc, là dám vuốt râu cọp, là điên. Họ cho rằng anh bị chém đầu là đích đáng. Họ hả hê như chính mình vừa trừ khử được một kẻ tội đồ. Khi nghe kể đến đoạn Hạ Du bị lão Nghĩa quản ngục đánh cho hai cái bạt tai vì dám rủ lão “làm giặc” thì họ thú quá, cứ nhao nhao nói nói cười cười. Trong khi đó, họ lại xuýt xoa khen cụ Ba đã sáng suốt đem nộp cháu mình cho nhà chức trách, vừa không bị mất đầu vì chứa chấp một tên phản nghịch, vừa được thưởng hai mươi lạng bạc.

Qua cuộc bàn luận của đám đông ở quán trà, Lỗ Tấn khéo léo phơi bày thực trạng tinh thần u mê tăm tối của phần lớn dân chúng Trung Quốc thời đó. Cách mạng Tân Hợi là một cuộc cách mạng không triệt để. Người dân chưa được tuyên truyền, giác ngộ nên họ coi những người làm cách mạng là làm giặc”. Họ càng không hiểu gì về mục đích cao cả của cách mạng.

Lỗ Tấn nhận thức rất rõ “căn bệnh tinh thần” của người Trung Hoa đã đến mức trầm trọng. Đã đến lúc phải khẩn cấp tìm ra một phương thuốc “đặc hiệu” để chữa trị căn bệnh ấy. Nhưng đó là phương thuốc nào?

Lúc này, cách mạng Trung Quốc đang dò dẫm tìm đường, Lỗ Tấn cũng đang tìm đường, ông chưa thể đưa ra một giải pháp chính xác, nhưng ông đã dự cảm được một điểu gì đó. Dự cảm ấy phần nào được thể hiện qua hình tượng nhân vật Hạ Du.

Hạ Du tuy không dược tác giả miêu tả trực tiếp nhưng nhân vật này đóng vai trò quan trọng là mắt xích tiên kết toàn bộ câu chuyện và chi phối các sự kiện trong tác phẩm. Hạ Du là một chiến sĩ cách mạng có ý chí kiên cường, dám chấp nhận thử thách, hi sinh. Đến phút chót anh vẫn tuyên truyền cách mạng. Hạ Du bộc lộ nỗi đau xót trước tình trạng mê muội của dân chúng. Nhưng thật đáng buồn là ý chí, mục đích và hành động của anh lại bị mọi người hiểu một cách sai lạc. Cụ Ba là người thân cho rằng anh “làm giặc” nên đã tố giác anh để láy tiền thưởng. Dân chúng thì chờ anh bị chém đầu để lấy máu anh tẩm vào bánh bao làm thuốc chữa bệnh. Với những tôn đao phủ tàn bạo, tham lam thì máu Hạ Du là một món hàng đem lại lợi nhuận béo bở. Với đám dông dân chúng, Hạ Du là đối tượng để cho họ chế giễu và khinh bỉ. Thậm chí đến cả mẹ anh cũng không hiểu đúng về con trai mình.

Xây dựng nhân vật Hạ Du, tác giả vừa bày tỏ thái độ trân trọng và kính phục, vừa ngầm phê phán những người làm cuộc cách mạng Ngũ Tứ xa rời và chưa giác ngộ được quần chúng. Thật xót xa và đau đớn trước hình ảnh người chiến sĩ cách mạng không hòa hợp được với quần chúng và còn bị dân chúng nhìn bằng con mắt miệt thị và giễu cợt. Chính vì thế mà sự hi sinh của họ trở nên vô nghĩa.

Trong phần cuối của truyện, khung cảnh nghĩa địa được Lỗ Tấn miêu tả rất kĩ: Miếng đất dọc chân thành phía ngoài cửa Tây vốn là đất công. Ở giữa là con đường mòn nhỏ hẹp, cong queo, do những người hay đi tắt giẫm mãi thành đường. Đó cũng là cái ranh giới tự nhiên giữa nghĩa địa những người chết chém hoặc chết tù, ở về phía tay trái, và nghĩa địa những người nghèo, ở về phía tay phải. Cả hai nơi, mộ dày khít, lớp này lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ. Hình ảnh con đường mòn ở đây không chỉ đơn thuần là một ranh giới tự nhiên mà nó còn là ranh giới vô hình của lòng người, của những định kiến xã hội. Cảnh nghĩa địa trong đoạn văn mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất: Dư luận xã hội không hề có sự phân biệt giữa những người làm cách mạng hi sinh vì đất nước với những kẻ tội đồ. Như vậy thì những chiến sĩ cách mạng cũng bị coi là “giặc”. Thứ hai: số người bị chết chém hoặc chết tù cũng nhiều như số người bị chết vì nghèo đói. Hình ảnh những ngôi mộ ở nghĩa trang nhiều như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ là một hình ảnh so sánh mỉa mai, gợi lên thực trạng xã hội phong kiến Trung Hoa vừa đen tối vừa tàn bạo thời ấy.

Lỗ Tấn còn gửi gắm một hàm ý khác nữa trong hình ảnh con đường mòn chia đôi nghĩa địa: ranh giới giữa người nghèo và người cách mạng rất gần. Những người làm cách mạng là ai nếu không phải là tầng lớp nghèo khổ bị áp bức, bóc lột đến cùng cực, không còn con đường nào khác là phải tự vùng lên để giải phóng cuộc đời mình? Nếu như lúc còn sống họ chưa thật sự hiểu nhau, gắn bó với nhau thì lúc chết, nghĩa địa này là nơi họ được ở gần nhau.

Hai bà mẹ cùng ra thăm mộ con trong tiết Thanh minh. Đó là bà Hoa, mẹ của Thuyên và bà mẹ của Hạ Du – tử tù chết chém. Bà Hoa đặt lễ vật trước mộ con, khấn vái rồi khóc lóc một hồi. Bà kia cũng làm như vậy trước mộ con mình, chỉ khác là mộ của Thuyên ở bên phải đường mòn, còn ngôi mộ kia thì nằm bên trái đường mòn, gần như đối diện nhau. Tình huống này đã tác động rất mạnh tới suy nghĩ và cảm xúc của người đọc. Cả những người đã chết và những người đang sống đều là nạn nhân đau khổ, đáng thương của xã hội phong kiến Trung Quốc hủ bại, bế tắc đương thời.

Câu hỏi đầy ngạc nhiên và băn khoăn của bà mẹ Hạ Du: Thế này là thế nào? khi nhìn thấy trên nấm mộ con trai mình có những cánh hoa trắng hoa hồng… không nhiều lắm, xếp thành vòng tròn tròn, không lấy gì làm đẹp, nhưng cũng chỉnh tề lặp lại hai lần gợi nhiều day dứt. Câu hỏi ấy thể hiện thái độ khó hiểu của bà mẹ trước hành động tham gia cách mạng và cái chết bi thảm của con trai mình; đồng thời chất chứa cảm xúc chua xót, đau khổ và tự trách.

Đó không chì là câu hỏi dành riêng cho bà mẹ Hạ Du mà còn dành cho tất cả mọi người. Ai đã đến đây? Chắc chắn đó là đồng chí của Hạ Du, hoặc là người có cảm tình với cách mạng. Họ đã bất chấp luật lệ nghiệt ngã của chính quyền, vẫn can đảm bày tỏ tình cảm của mình đối với cách mạng. Họ dám đến viếng mộ anh và còn kính cẩn đặt lên đó một vòng hoa tươi: … hoa trắng hoa hồng xen lẫn nhau, nằm khoanh trên nấm mộ khum khum.

Một trong số những người không sợ liên lụy chính là Lỗ Tấn. Nhà văn đã bày tò thái độ kính trọng đối với các chiến sĩ của phong trào cách mạng Ngũ Tứ. Ông đã đặt vòng hoa tưởng niệm trên mộ Hạ Du. Đó cũng là cách ông nêu ra vấn đề cấp thiết là phải có một phương thuốc đặc trị để cứu chữa “căn bệnh tinh thần” của người Trung Quốc. Phương thuốc đó quyết không phải là cái gì khác ngoài con đường cách mạng, nhưng không nửa vời như cuộc cách mạng Tân Hợi mà là cuộc cách mạng triệt để của quần chúng và vì quần chúng.

Hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du còn chứng tỏ nhà văn Lỗ Tấn vẫn ấp ủ hi vọng vào ngày mai tươi sáng, cho dù những người tham gia phong trào cách mạng Ngũ Tứ đang bị chính quyền ráo riết khủng bố và bản thân tác giả cũng đang ở tâm trạng đau đớn, bàng hoàng. Nó làm cho cái chết của Hạ Du bớt phần bi thảm bởi vì dù sao thì cũng có người xúc động và hiểu được phần nào ý nghĩa cái chết của anh. Đó cũng là niềm an ủi cho những dũng sĩ đang bôn ba trong chốn quạnh hiu. (Cách gọi của Lỗ Tấn đối với những người tham gia phong trào cách mạng Ngũ Tứ).

Câu chuyện về Thuốc được miêu tả ở hai thời điểm là mùa thu và mùa xuân. Hạ Du và Thuyên chết vào mùa thu, đồng nghĩa với sự tàn lụi. Hai cái chết của hai người trai trẻ có số phận khác nhau và cách họ chết cũng không giống nhau. Thế nhưng, đến mùa xuân, hai bà mẹ có chung nỗi đau mất con dường như đã đồng cảm với nhau. Đặt câu chuyện vào thời điểm của hai mùa: một mùa có tính chất tàn tạ, một mùa có tính chất hồi sinh, tốc giả dường như muốn gửi gắm vào đó niềm hi vọng về sự đổi thay tất yếu. Dù không có những biểu hiện thật rõ ràng, song với cách kết cấu và thời gian nghệ thuật đầy ý nghĩa tượng trưng, tác giả đã gieo vào lòng người đọc một niềm tin, một niềm hi vọng về tương lai tươi sáng của dân tộc mình.

Truyện ngắn Thuốc tiêu biểu cho bút pháp hiện thực tỉnh táo, khách quan của Lỗ Tấn. Cốt truyện dung dị nhưng độc đáo ở khả năng lựa chọn các tình tiết, ở cách sắp xếp thời gian nghệ thuật và đặc biệt là ở khả năng tạo ra tính đa nghĩa của ngôn từ và hình tượng. Câu chuyện có chung một âm điệu trầm buồn thể hiện sự suy tư, lo lắng, day dứt đầy tinh thần trách nhiệm của Lỗ Tấn trước số phận và tương lai của dân tộc mình. Có thể coi tác phẩm này giống như con dao mổ sắc bén trong tay một bác sĩ tài ba, mạnh dạn cắt bỏ những khối u ác tính về tinh thần của xã hội đương thời để cứu lấy dân tộc Trung Hoa. Nhà văn Lỗ Tấn xứng đáng là cây đại thụ của văn học Trung Quốc và Danh nhân văn hóa thế giới.